Hội chứng OHVIRA, nghĩa là tắc âm đạo một bên kèm bất sản thận cùng bên. Đây là dị tật bẩm sinh, tỷ lệ mắc ước tính khoảng 0,1 đến 3,8% dân số, theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Hội chứng OHVIRA đặc trưng bởi bất thường niệu - dục như tử cung đôi, hai cổ tử cung, hai âm đạo, ứ máu trong âm đạo một bên, bất sản thận một bên cùng phía âm đạo bị ứ máu. Bất thường này liên quan đến quá trình phát triển của ống Mullerian, ống niệu giữa (Wolffian) trong bào thai. Ống Wolffian đóng vai trò hình thành thận, do bất thường dẫn đến bất sản một thận, tắc âm đạo một bên. Bất thường ống Wolffian xảy ra trong bào thai dẫn đến sự hình thành tử cung đôi, hai cổ tử cung.
Triệu chứng hội chứng OHVIRA khó nhận biết, một số không có triệu chứng, số ít tình cờ phát hiện khi siêu âm vùng bụng, tử cung. Một vài trường hợp có thể sờ thấy khối u vùng bụng dưới. Phần lớn được phát hiện ở tuổi dậy thì khi đau vùng hạ vị do tắc đường ra kinh nguyệt của một bên âm đạo. "Tử cung chị Thảo có vách ngăn chia cắt không hoàn toàn nên vẫn có kinh nguyệt, đến 35 tuổi khám vô sinh mới phát hiện dị tật bẩm sinh", bác sĩ Mỹ Nhi lý giải.
Dị tật này khiến chị Thảo khó mang thai tự nhiên, điều trị hiếm muộn cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chuyển phôi. Nguyên nhân là phôi thai đưa vào tử cung có thể bám vào phần vách ngăn (mô xơ cứng, ít máu nuôi) không phát triển. Lòng tử cung quá hẹp dẫn đến biến chứng sảy thai, lưu thai, thai chậm phát triển, sinh non.
Các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản chỉ định kích thích buồng trứng cho chị Thảo bằng thuốc, thụ tinh trong ống nghiệm tạo được 10 phôi tốt để trữ đông. Tiếp đó, trước chuyển phôi, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa thực hiện phẫu thuật nội soi buồng tử cung, cắt vách ngăn buồng tử cung, cắt bỏ hai vòi trứng bị tổn thương nặng độ 4 do viêm ứ dịch lâu ngày.
Êkíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật cho chị Thảo. Ảnh: Hữu Thuận
Sau mổ, sức khỏe chị Thảo ổn định, điều trị nội tiết tăng cường để phủ đầy niêm mạc ở dải bờ vách ngăn bị cắt bỏ. Khoảng 4-6 tuần sau phẫu thuật, chị được nội soi qua ngả âm đạo đánh giá buồng tử cung. Nếu không có tình trạng viêm dính, chị sẽ được chuyển phôi vào tử cung sau hai tháng điều trị.
Hội chứng OHVIRA là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, lưu hoặc sảy thai liên tiếp, sinh non... Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo các thiếu nữ đến tuổi dậy thì chưa có kinh nguyệt, thường xuyên đau bụng dưới hoặc phụ nữ khó có thai sau khi lập gia đình nên đi kiểm tra phụ khoa. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như, siêu âm, cộng hưởng từ (MRI)... có thể giúp phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác các tật bẩm sinh hệ niệu dục - sinh dục nữ. Nhờ đó, bác sĩ tư vấn và hỗ trợ sớm cho nữ giới không may có dị tật này. Phương pháp điều trị chính trong bệnh lý OHVIRA là phẫu thuật vách ngăn âm đạo.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp